TƯỞNG NIỆM ( 2 – truyện về chiến tranh và hậu chiến)

Bộ binh tác chiến – hình sưu tầm

 

                Pháo binh tác chiến

” Tôn trọng tính thực tế xưa, nhiều khái niệm – cách nói cũ vẫn được dùng trong truyện”

Một đêm trên đường hành quân. Các chiến sĩ của tiểu đội đã cùng đại đội rời xa hậu cứ gần 50 cây số. Họ vẫn giữ được bí mật để áp sát căn cứ địch. Sau một ngày hành quân mệt mỏi, luồn rừng lội suối và phải câm nín đi , ăn lương khô, uống nước nguội, giờ đây họ lặng lẽ ngủ đêm tại một khu rừng.
Cả tiểu đội mắc võng nằm dưới những lùm cây. Trong bóng đêm chỉ thấy những mái tăng ni lông che sương che mưa và những võng treo rải rác. Lịch và Sơn đang trong giờ gác cho anh em ngủ. Chỉ thấy hai người cách nhau vài chục bước chân đi đi lại lại với khẩu AK trên tay. Tiếng côn trùng rả rích.
Những ánh lân tinh do nấm mốc, gỗ mục… phát quang lập lòe khắp nơi. Vài con thú nhỏ đi kiếm mồi róc rách trong bụi cỏ lùm cây. Tiếng Cú rúc. Sau đó vài con Cú cất cánh vù vù ngang qua chỗ tiểu đội đang ngủ… Rừng đêm vẫn bình thản nhịp sống muôn thuở của nó, bất chấp chiến tranh, vài phút trôi qua – im lặng và căng thẳng, vì đây là vùng khá gần đất địch.
Đã đến giờ đổi gác, Lịch và Sơn lần lượt đi đến võng của Thạch và Luyến. Hai người lay nhẹ vai đồng đội và Thạch, Luyến đều nhẹ nhàng trở dậy thay ca. Lịch và Sơn cũng nhẹ nhàng đi về võng của mình để ngủ.Lịch trằn trọc trở mình. Anh nghĩ mông lung về gia đình,về Mận. Có tiếng ngáy rền của ai đó. Rồi Lịch cũng chìm vào giấc ngủ

***

Sở chỉ huy trung đoàn đóng ở phía sau cách các đơn vị trực thuộc chừng một vài cây số. Lán chỉ huy là một tấm dù hoa rộng vừa che nắng che sương tốt vừa để nguỵ trang. Vài chiếc bàn ghế ghép vội bằng cây rừng. Những chiếc máy thông tin vô tuyến, hữu tuyến đặt gần nhau. Các chiến sĩ trung đoàn bộ nhanh nhẹn qua lại làm nhiệm vụ. Trung đoàn trưởng ngoài 40 tuổi, cao to, nét mặt hao gầy, mắt quầng thâm vì thiếu ngủ, quân phục gọn gàng, đeo súng ngắn. Ông đang cùng đồng chí tham mưu trưởng, người thấp đậm da bánh mật xem lại bản đồ tác chiến. Trên bản đồ trải rộng, chúng ta nhìn rõ cứ điểm ở ngoại vi một thị xã đóng trên một trục giao thông quan trọng nối đồng bằng lên cao nguyên. Cứ điểm địch trông như con Gấu, sau cứ điểm có một cây cầu treo qua sông và lại một cứ điểm nữa. Nhiệm vụ của trung đoàn là phải chiếm được vị trí quan trọng này, mở đầu cầu cho sư đoàn tiến lên
Trong khi trung đoàn trưởng và tham mưu trưởng trung đoàn đang xem bản đồ thì đồng chí cần vụ kiêm liên lạc còn trẻ chỉ khoảng 20, 21 tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh thư sinh đang lúi húi pha trà ở phía sau ( truyện còn kể về số phận người chiến sĩ liên lạc ở những tình tiết sau này).
Nhìn kĩ bản đồ xong, trung đoàn trưởng chậm rãi nói:
– Địch có một trung đoàn,  một ngàn tên lính chính quy trong cứ điểm, cộng với bọn bảo an, dân vệ như vậy là trên một ngàn. Một đối thủ đáng gờm đây! Chúng còn có cả phi pháo hỗ trợ, từ nhiều vùng phụ cận sẵn sàng tiếp ứng, nhiệm vụ của chúng ta là mũi xung kích, mở đường sẽ rất nặng nề. chúng ta cần hết sức thận trọng và nghiên cứu kĩ một lần nữa phương pháp tác chiến. Suốt đêm qua, tôi hầu như không ngủ, tôi vẫn còn trăn trở một vài điểm.
Nói đến đây trung đoàn trưởng tạm dừng lời, ông trầm ngâm lấy thuốc lá ra hút. Đồng chí tham mưu trưởng chờ mãi không thấy cấp trên nói tiếp liền gặng hỏi:
– Ý thủ trưởng thế nào ạ?
– Vấn đề phi pháo của địch, ta đã có cách gì vô hiệu hóa chúng hoặc ít nhất cũng làm giảm bớt đến mức thấp nhất tác hại của chúng?
Tham mưu trưởng nghĩ một lúc rồi nói:
– Báo cáo thủ trưởng, như thủ trưởng đã biết, sư đoàn đã có phương án bố trí các tiểu đoàn pháo binh phối thuộc ngăn chặn máy bay địch đồng thời phản pháo trong lúc trung đoàn ta giải quyết “Con Gấu”
– Tôi biết, tôi biết! Nhưng dù sao trên thực địa chúng ta chưa lường hết được những tình huống bất ngờ. Đối với bộ binh và xe tăng, thiết giáp của địch, ta không đáng ngại lắm, tôi rất tin tưởng vào năng lực chiến đấu của trung đoàn ta . Hiệu suất chiến đấu ít nhất cũng đạt bảy mươi phần trăm trở lên. Chúng ta đã từng có những chiến sĩ bắn năm đến bảy quả B41 diệt vài ba xe tăng địch một lúc. Đồng chí nhớ lại chiến dịch xuân hè bảy hai chưa?
– Tôi nhớ, thưa thủ trưởng! Song giờ đây phương án tác chiến đã được sư đoàn thông qua, giờ G sắp đến
Trung đoàn trưởng ôn tồn:
– Đồng chí tham mưu trưởng thân mến của tôi. Đánh giặc là phải sáng tạo – phương án là quân lệnh nhưng phải có sáng tạo, ý tôi muốn nói với đồng chí là ở chỗ đó và muốn đồng chí cùng tôi cho đến phút chót sát giờ G vẫn hoàn thiện bổ sung sáng tạo cho phương án tác chiến. Nào giờ ta thử làm một phép tham mưu như trong Tam Quốc xem sao: Ta cùng ghi ra giấy sau đó mở ra hợp lại
Nói đến đây trung đoàn trưởng cười cho không khí đỡ căng thẳng. Ông quay ra bàn, lấy giấy và bút ra rồi ngồi viết. Tham mưu trưởng cũng cười và làm theo.
Một phút sau, hai người quay trở lại bản đồ và cùng giở tờ giấy có ghi ý kiến của mình.
Tờ giấy của trung đoàn trưởng ghi: “Bám sát thắt lưng địch, mà đánh mà tiến, tập trung trong tấn công, phân tán trong phóng ngự”
Tờ giấy của tham mưu trưởng ghi: “Cơ động và phát triển liên tục, phi pháo địch không kịp chuyển làn theo”
Hai người nhìn vào mắt nhau tin tưởng
Trung đoàn trưởng nói:
– Cơ bản là đồng quan điểm, là tạm yên tâm, dù sao quyết tử rất cần cho tổ quốc quyết sinh. Tuyệt đối bí mật trước giờ G, không dùng hữu tuyến, vô tuyến. Vậy, đồng chí phân công gấp liên lạc trung đoàn xuống các tiểu đoàn phổ biến quán triệt phương châm bổ sung vào phương án tác chiến cho kịp.
Trung đoàn trưởng nhìn đồng hồ.
Người chiến sĩ liên lạc bê đĩa trà nước ra, anh rót ra chén và lễ phép:
– Mời các thủ trưởng xơi nước, trà Blao mới ngon lắm.
Tham mưu trưởng cũng nhìn đồng hồ rồi quay sang người chiến sĩ liên lạc:
– Cho cậu nghỉ mười lăm phút! Chốc nữa lên đây nhận mệnh lệnh và sẽ phải chạy đường rừng bở hơi tai đấy.
– Dạ! Vâng! Em xin sẵn sàng!
Trung đoàn trưởng cười và nhắc:
– Lại em rồi! vào lính mấy năm rồi mà cứ quen như ở nhà – giá cậu là con gái, nó đi một nhẽ, thủ trưởng nhìn em, thủ trưởng cười, em còn trẻ lắm…
– Dạ! Vâng! Em, à, tôi xin lỗi các thủ trưởng, là nó cứ quen như vậy, các thủ trưởng gần gấp đôi tuổi tôi cơ mà.
Cả ba người đều cười vui vẻ.

***

Đồn trại địch ở trên một triền đất cao ven sông, sau đồn có cây cầu treo. Phía bên kia sông cũng là đồn trại địch…
Toàn cảnh xung quanh trận địa là đồi thấp và rừng thưa.
Trận đánh đánh bắt đầu vào hơn 4 giờ sáng. Sau hàng chục phút pháo kích, các chiến sĩ ở mũi xung kích đang thay nhau lao lên, người nọ ngã, người kia vẫn tiến để phá bung cửa mở.Các tốp chiến sỹ vận động thận trọng gần về phía hàng rào chờ xung kích dọn quang để xung phong. Trong sương sớm mờ ảo, chỉ thấy những hàng rào dây thép bị bộc phá đánh cuộn tung lên, những tiếng nổ của các loại hỏa lực xé trời, chớp, lửa, khói lẫn vào nhau.

Ở tiểu đoàn pháo phối thuộc, những khẩu pháo hạng nặng cũng đang nhả đạn đều đặn vào trận địa bên kia sông của địch, không cho chúng ứng cứu đồn trại bên này đang nguy ngập bởi sức tấn công như vũ bão của bộ binh . Các chiến sĩ pháo binh đánh rất nhịp nhàng và bình tĩnh, tựa người giã gạo. Những động tác nạp đạn và nhả đạn trong cận cảnh, rồi lại đến toàn cảnh. Căn cứ địch ở bên kia sông hay còn gọi là “Con Gấu B” trùm trong khói lửa…. Pháo binh địch ở “Con Gấu B” hầu như bị vô hiệu hóa; chỉ thỉnh thoảng mới thấy một, hai loạt pháo địch đổ ngược lại trận địa . Tuy vậy, chúng cũng gây thương vong. Một pháo thủ trúng mảnh pháo địch đã gãy tay bên phải. Người phía sau lao tới đưa đồng đội về phía an toàn hơn và băng bó vết thương trên cánh tay pháo thủ bị thương.
Tiểu đội ba cụm lại ở một sườn đồi chờ lệnh xung phong sau khi cửa mở. Tất cả chăm chú nhìn về phía trước với nét mặt cực kỳ căng thẳng. Có vài người cứ nhấp nha nhấp nhổm. Ban – tiểu đội trưởng bèn giơ tay ra hiệu cúi thấp xuống chờ lệnh. Sơn đùa: – cứ bình tĩnh, đừng vãi ra quần!. Ban nghiêm mặt làm Sơn không dám cười sau câu nói
.Nửa giờ trôi qua. Pháo lệnh báo cửa mở. Các chiến sỹ ào ạt xông lên, vài người vấp ngã vội vã đứng lên chạy tiếp. Chỉ thấy hình ảnh chiến sĩ lom khom chạy, bắn và những tiếng hô xung phong. Mặt trời buổi sớm tinh mơ và những làn mây vô tư trôi trên trận địa mịt mù, ầm ĩ.

Kỳ sau đăng tiếp
TG: Đặng Minh Liên