Một góc nhìn khác về Người Việt Nam ở Mỹ

Sau khi đọc bài viết “Thực trạng người Việt tại Hoa Kỳ” của Phạm Thành Sơn, tôi thấy cần phải trao đổi với tác giả một đôi điều mà có lẽ những người không sống ở Mỹ sẽ bị ngộ nhận khi đọc những báo cáo về thống kê dân số của chính quyền Mỹ.

Những con số trên chỉ nói đúng được phần nào trên thực tế nếu ta không xem xét bối cảnh lịch sử, văn hóa và các cuộc di dân lớn của các nhóm người thiểu số ở Mỹ. Phần lớn người Hàn Quốc, người Nhật, người Hoa ở Mỹ đã đến định cư ở đây cả trăm năm trước từ những cuộc di dân nhằm cung cấp lực lượng lao động cho các đồn điền, ngành đường sắt và xây dựng của Mỹ, do đó những thế hệ con cháu của họ bây giờ nói tiếng Anh giỏi và hòa nhập vào xã hội Mỹ là chuyện không có gì lạ.

Trong khi đó ở Ấn Độ tiếng Anh là ngôn ngữ chính dạy trong các trường học. Ấn Độ lại có lịch sử gắn liền với Anh quốc từ hơn trăm năm nay cho nên họ hội nhập vào xã hội phương Tây rất nhanh chóng. Hơn nữa, ở Mỹ ai cũng biết người Ấn Độ nổi tiếng là siêng năng, thông minh nhưng biết nhẫn nhục, lại rất tiết kiệm dè sẻn, không chi tiêu hào phóng như các nhóm người khác. Nếu ai cũng tích lũy tài sản theo kiểu Ấn Độ thì chắc chắn sẽ giàu to nhanh chóng!

Về phần cộng đồng người Việt, các cuộc di dân lớn của người Việt Nam đến Mỹ chỉ xảy ra sau 1975 (di tản) và 1990 (đi theo diện HO), khoảng thời gian hơn 30 năm chỉ đủ để thế hệ thứ nhất ổn định cuộc sống trên vùng đất mới chứ đừng nói đến làm giàu. Phải biết rằng những năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ là giai đoạn rất khó khăn cho bất cứ người nhập cư nào và cả con cái của họ. Rào cản ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán đi đôi với thiếu thông tin, chậm cập nhật khiến cho người mới nhập cư luôn bị tụt hậu về mọi mặt. Phần lớn người Việt những năm mới sang Mỹ, trừ phi có người nhà bao bọc giúp đỡ, đều sống dưới mức nghèo khổ. Dần dần, cùng với tiếng Anh khá hơn và một số đi học tốt nghiệp ra trường, họ tìm được việc làm có lương cao hơn, rồi mua nhà tốt hơn, xe mới hơn. Trong giai đoạn đầu, chính con cái của người Việt nhập cư, thế hệ thứ hai, cũng gặp không ít khó khăn vì cha mẹ của chúng do không nói được tiếng Anh nên không biết cách hướng dẫn và giúp đỡ chúng nhiều trong việc học tập và hoạt động ở trường. Từ đó thế hệ thứ hai cũng chưa thành công đúng mức về học tập cũng như phát triển bản thân.

Nếu muốn so sánh sự thành công của cộng đồng người Việt với các cộng đồng thiểu số khác, phải chờ thêm khoảng 15 năm nữa khi thế hệ thứ ba, thứ tư của người Việt bắt đầu tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm có lương và xây dựng gia đình. Theo ước tính cá nhân tôi, có đến 85% con em người Việt Nam trong tương lai sẽ có bằng cử nhân và cao hơn.

Hy vọng vài dòng tóm tắt này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn đằng sau những con số khô khan kia.

Theo Vân Nguyễn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Bình luận về bài viết này